Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ
Năm 2005, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử; đồng thời Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số như: Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 26/2007/NĐ-CP; Thông tư của Bộ Nội vụ/Bộ Quốc phòng về quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ (Thông tư số 05/2010/TT-BNV, Thông tư số 185/2019/T-BQP thay thế Thông tư số 08/2016/TT-BQP), Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.
Ngày 30/8/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2198/QĐ-BTC về việc sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và quản lý thuê bao chứng thư số tại Bộ Tài chính; Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2019 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 (trong đó bao gồm nội dung về đẩy mạnh triển khai ký số văn bản điện tử, tiến tới thay thế văn bản giấy); Quyết định số 668/QĐ-BTC ngày 29/4/2020 về Quy chế công tác văn thư của Bộ Tài chính (trong đó bao gồm quy định về việc ký số và quản lý thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư); Quyết định số 2140/QĐ-BTC ngày 21/12/2020 về Quy chế quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số của Bộ Tài chính, trong đó bao gồm chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai các quy định của Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Bộ Tài chính đã triển khai đào tạo về kỹ thuật chữ ký số cho cán bộ công nghệ thông tin của các đơn vị thuộc Bộ, đảm bảo đủ năng lực để tham mưu và tổ chức triển khai ứng dụng chữ ký số tại Bộ Tài chính; tổ chức đào tạo cơ bản, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ nghiệp vụ của các đơn vị thông qua các chương trình tập huấn sử dụng ứng dụng CNTT có áp dụng chữ ký số.
Bộ Tài chính sử dụng chữ ký số trong tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ dịch vụ công trực tuyến
Từ năm 2009, song song với việc áp dụng chữ ký số công cộng cho đối tượng doanh nghiệp trong hoạt động khai thuế, khai hải quan điện tử, với sự hỗ trợ của Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Tài chính đã đồng thời triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch điện tử của Bộ Tài chính (hệ thống báo cáo thanh tra, quản lý đăng ký tài sản nhà nước, kế toán nội bộ của hải quan, thanh toán liên kho bạc, trao đổi thông tin thu/chi ngân sách...). Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đặc biệt trong khối hành chính cơ quan Bộ Tài chính (Văn phòng, Thanh tra, các vụ/cục) và các đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ.
Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị hành chính thuộc cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ đang sử dụng hơn 1.500 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, bao gồm chứng thư số tổ chức cho đơn vị và chứng thư số cá nhân cho toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức của đơn vị. Thiết bị lưu khóa bí mật của chứng thư số bao gồm USB Token, sim PKI và HSM. Chứng thư số được sử dụng để ký số văn bản trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, số hóa tài liệu lưu trữ của Bộ Tài chính, ký số tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trên Cổng dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử của Bộ Tài chính, ký số trên hệ thống dịch vụ công Kho bạc Nhà nước, khai thuế, kê khai bảo hiểm xã hội…
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tài chính (tên thường gọi là eDocTC) sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ với mức độ cao nhất trong tất cả các ứng dụng của Bộ Tài chính. Năm 2016, Bộ Tài chính bắt đầu áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ mức tổ chức để ký số văn bản trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Năm 2019, Bộ Tài chính triển khai thử nghiệm ký số cá nhân. Năm 2021, Bộ Tài chính chính thức triển khai ký số cá nhân trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Việc ký số được áp dụng cho tất cả các vai trò từ chuyên viên, lãnh đạo phòng đến lãnh đạo đơn vị và văn thư (ký số tổ chức). Hầu hết văn bản gửi giữa các vụ, cục và gửi đến các đơn vị ngoài Bộ Tài chính (ngoại trừ văn bản có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước) đều được ký số. Thống kê số lượng cá nhân, đơn vị đã thực hiện ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành đến thời điểm hiện tại như sau: 478 chuyên viên, 257 lãnh đạo cấp phòng, 71 lãnh đạo cấp vụ/cục/đơn vị cấp tương đương đã thực hiện ký số cá nhân và 19 đơn vị đã thực hiện ký số tổ chức. Việc áp dụng chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành đảm bảo tính minh bạch của quá trình xử lý văn bản, từ khi soạn thảo đến khi phê duyệt, phát hành; giảm đáng kể hoạt động in ấn và rút ngắn thời gian phát hành văn bản đến đơn vị nhận; thuận tiện cho việc tìm kiếm, tra cứu văn bản; hỗ trợ nâng cao hiệu suất xử lý công việc tại các đơn vị.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã sử dụng chữ ký số trong việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã có kế hoạch thực hiện cấp các loại chứng chỉ bảo hiểm, kế toán, thẩm định giá được ký số theo quy định.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã thực hiện số hóa đối với tài liệu hành chính từ năm 1961 đến năm 2019 có thời hạn bảo quản vĩnh viễn, 70 năm, 50 năm. Đơn vị lưu trữ của Bộ Tài chính đã thực hiện số hóa và ký số tổ chức để đảm bảo tính xác thực của văn bản và đưa vào phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ 2.815.936 trang văn bản. Tài liệu đã được số hóa giúp tiết kiệm không gian lưu trữ vật lý, giảm được khả năng bị hư hỏng, mất, thất lạc tài liệu, tra cứu dễ dàng, nhanh chóng, hỗ trợ chuyên viên giải quyết công việc hiệu quả.
Trước khi Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số được ban hành, các đơn vị thuộc Bộ sử dụng chứng thư số công cộng để kê khai thuế và bảo hiểm xã hội. Hiện nay, thực hiện quy định tại Điều 57 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP “Các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước nếu áp dụng chữ ký số thì sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cung cấp”, các đơn vị thuộc Bộ đã chuyển sang sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ để kê khai thuế và bảo hiểm xã hội.
Lãnh đạo các cấp và công chức, viên chức của Bộ Tài chính nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; thúc đẩy chuyển đổi số. Việc sử dụng chứng thư số tại Bộ Tài chính đã được tích cực đẩy mạnh, góp phần đảm bảo an toàn giao dịch điện tử; tạo môi trường làm việc hiện đại; tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả làm việc; tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hỗ trợ cho quá trình cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.